TIÊU CHUẨN GACP-WHO: KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC, THU HÁI, SƠ CHẾ VÀ BẢO QUẢN CÂY ĐINH LĂNG
- Người viết: DS. Nguyễn Thị Cẩm Trâm lúc
- Tin chuyên ngành
Tiếp nối loại bài viết về GACP, hôm nay chúng ta hãy cũng tìm hiểu về cách thực hành tiêu chuẩn GACP – WHO cụ thể đối với dược liệu Đinh Lăng mà nhiều doanh nghiệp đã và đang áp dụng nhé.
Cây Đinh lăng (Polyscias fruticosa (L.) Harms,) dân gian còn gọi là cây Gỏi cá, cây Nam dương sâm. Đinh lăng là một trong những cây dược liệu được trồng từ lâu đời tại khắp các vùng miền trên cả nước. Trước kia, đinh lăng chỉ được trồng trong các hộ gia đình với quy mô nhỏ, để làm cảnh hoặc làm thuốc theo Y học cổ truyền, phục vụ cho nhu cầu sử dụng của gia đình. Với sự phát triển của các sản phẩm về dược liệu, việc trồng đinh lăng đã chuyển dần từ tự phát sang trồng có định hướng, quy hoạch và có hợp đồng. Vì vậy rất cần có một tài liệu hướng dẫn trồng đinh lăng theo một quy trình canh tác chuẩn đảm bảo sản xuất ra dược liệu đinh lăng với năng suất và chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của các đơn vị sử dụng cũng như người tiêu dùng.
Sau đây là nội dung của cuốn sổ tay “Hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế và bảo quản Đinh lăng – Polyscias fruticosa (L.) Harms theo GACP-WHO” được soạn thảo Công ty cổ phần Traphaco phối hợp với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội xây dựng, ban hành; được hoàn thiện với sự hợp tác của Công ty cổ phần Traphaco, Tổ chức HELVETAS Swiss Intercooperation Việt Nam cùng với Viện Dược liệu – Bộ Y tế và đã được thẩm định theo GACP-WHO.
GACP-WHO: ĐỊNH NGHĨA, NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG
GACP là từ viết tắt của cụm Good Agricultural and Collection Practices – Thực hành tốt Nuôi trồng và Thu hái.
Nếu chưa có khái niệm về GACP, bạn hãy tham khảo qua bài viết này nhé: GACP là gì? Vì sao cần GACP-WHO
Xem thêm về những nguyên tắc chung của GACP-WHO tại đây
KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC
CHỌN VÙNG TRỒNG THEO GACP-WHO
Các tiêu chí chọn đất trồng Đinh Lăng theo GACP
- Chọn vùng đất cát pha hoặc thịt nhẹ.
- Đinh lăng thích hợp với vùng đất nhiều mùn, tơi xốp, tầng canh tác sâu.
- Chọn vùng đất thoát nước tốt, không bị úng ngập.
GACP yêu cầu không trồng, thu hái dược liệu ở vùng có nguy cơ ô nhiễm
CHÚ Ý: Không chọn các vùng đất:
1. Gần các khu công nghiệp, Bãi rác, rãnh thoát nước thải, nghĩa trang.
2. Gần các bãi chăn thả, khu chăn nuôi tập trung
3. Vùng đất có nhiều tàn dư thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng...
4. Vùng đất gần các khu vực bị ô nhiễm
KỸ THUẬT CHỌN GIỐNG
Tiêu chuẩn cây giống
- Cây được chọn lấy cành/hom làm giống phải đạt ít nhất 2 năm tuổi trở lên. Cây sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, không sâu bệnh. Khi cắt cành/hom làm giống cần để lại 2-3 cành trên cây
Chọn hom làm giống
- Chọn hom tương đối thẳng, không cong queo. Chọn hom có đường kính từ 1,0-1,5 cm.
- Chọn những hom bánh tẻ, không quá gần gốc tránh ra rễ chậm, không quá gần ngọn tránh mất nước làm hom bị héo.
Cắt hom giống
- Thời điểm cắt: Trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 3 hoặc từ tháng 7 đến tháng 8 dương lịch.
- Cắt hom: Dùng dao sắc để cắt hom thành những đoạn hom vát chéo hai đầu, dài 20 – 25 cm đối với hom giâm trong vườn ươm hoặc trồng thẳng, dài 15-20 cm đối với hom giâm trong bầu
NHÂN GIỐNG
Xử lý hom giống
+ Ngâm cả hom giống vào thuốc trừ nấm Carbendazim nồng độ 2% trong 10 – 15 phút, sau đó vớt ra nhúng phần gốc vào thuốc kích thích ra rễ GA 3 (Acid * Bibberellic) nồng độ 1000 ppm (1g/lít nước).
Giâm hom
Có 2 phương pháp giâm hom:
- Giâm hom trong bầu:
- Dùng bầu túi nilon, kích thước 15x8 cm.
- Thành phần đất trong bầu bao gồm: 70 – 75% đất thịt tơi xốp với 20 – 25% phân chuồng hoai mục và 2% Supe Lân.
- Phía dưới có lỗ để thoát nước
- Cắm phần gốc hom giống sau khi đã được xử lý sâu xuống 2/3 vào giữa bầu, sau đó xếp bầu vào giàn có mái che, tưới giữ ẩm hàng ngày.
- Giâm hom trên vườn ươm:
- Chuẩn bị sẵn các luống nôi, đánh rạch sâu 10 cm trên mặt luống, rạch nọ cách rạch kia 30 cm.
- Đặt hom giống vào rạch theo chiều ngang một góc 45°, hom nọ cách hom kia 5 cm
- Phủ đất mịn dày 2 – 3 cm và nén chặt (Nếu vườn ươm không có mái che phải cắm ràng hoặc che phên trên luống và tưới đủ ẩm).
Chăm sóc cây giống
- Thời gian đầu tưới đủ nước cho cây, tưới hàng ngày vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối.
- Khi cây đã ra rễ và mọc ổn định thì có thể 2 - 3 ngày tưới 1 lần, lượng nước tưới cần đủ ẩm.
- Làm cỏ, phá váng định kỳ 7 - 10 ngày 1 lần.
- Sau 30 - 40 ngày (khi cây có 3 cặp lá trở lên), nếu thấy cây cằn cỗi cần tưới thúc bằng nước hòa phân Đạm pha loãng (nồng độ 0,7 - 1,0%) để cây con sinh trưởng tốt.
- Sau 50 - 60 ngày, hom đạt chiều cao 10 – 15 cm, có 3 - 4 cặp lá trở lên và rễ dài 5 - 7 cm có thể bứng cây đi trồng.
- Đối với cây trong bầu, trước khi bứng 15 ngày nên đảo bầu và hạn chế tưới nước.
KỸ THUẬT LÀM ĐẤT
Làm đất
- Đất được cày sâu, bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại
- Rắc vôi bột để cải thiện độ chua, mặn (độ pH) của đất và diệt nấm bệnh khi cần thiết.
- Để ải khoảng 20 – 30 ngày trước khi trồng.
Lên luống
- Ở vùng đất khô:
- Lên luống cao 30 – 35 cm
- Mặt luống rộng 1m
- Độ rộng rãnh 30–40 cm.
- Ở vùng đất ướt, dễ ngập nước:
- Lên luống cao 50 – 60 cm
- Mặt luống rộng 2,5 – 3m;
- Giữa luống có xẻ rãnh sâu 20 – 30cm, rộng 20 – 30cm tạo thành luống kép gồm 2 luống nhỏ.
- Rãnh giữa các luống kép (luống lớn) rộng 30-40cm
Bổ hốc
- Bố hốc thành hai hàng lệch nhau, hàng cách hàng 50cm, cây cách cây 60cm, cách mép luống 15 – 20 cm.
- Cho phân bón lót xuống, đảo đều với đất, lấp đất mỏng trước khi trồng cây lên, lớp đất dày khoảng 3-5 cm.
KỸ THUẬT TRỒNG
Thời điểm trồng
- Có hai vụ trồng đinh lăng trong năm:
- Vụ Xuân: Giâm hom vào tháng 2-3, trồng vào tháng 3-4 dương lịch.
- Vụ Thu: Giâm hom vào tháng 7 – 8, bứng cây con ra trồng vào các tháng từ tháng 2-4 dương lịch.
Mật độ trồng
Mật độ trồng từ 23.000 cây đến 25.000 cây/ha. (tương đương 830–900 cây/sào Bắc bộ)
Kỹ thuật trồng
- Đặt cây giống nhẹ nhàng vào hốc đã chuẩn bị từ trước. ở Ấn chặt đất xung quanh rồi vun đất tạo thành vồng ở gốc cây.
- Trồng xong, phủ rơm rạ hoặc bèo Tây lên mặt luống để giữ độ ẩm và tạo mùn cho đất tơi xốp.
- Phủ rơm rạ sau khi trồng.
- Tưới nước giữ ẩm thường xuyên.
Phủ rơm rạ sau khi trồng
PHÂN BÓN VÀ KỸ THUẬT BÓN PHÂN
Năm đầu tiên:
Chuẩn bị phân bón cho 1 Ha:
- Vôi bột: 01 tấn
- Phân chuồng hoai mục: 20-25 tấn
- Phân vi sinh: 500-700 kg
- Phân NPK (15-15-15): 350-400 kg.
- Đạm Ure: 100-200 kg.
- Lân Super: 400 kg.
- Kali: 150 kg.
BÓN LÓT
- Lượng bón: Bón toàn bộ vôi bột, phân chuồng, phân vi sinh, phân Lân và phân NPK của lượng phân đã chuẩn bị ở trên. Lượng tương đương cho mỗi hốc cây:
- Phân chuồng hoai mục: 0,5- 1,0kg;
- Phân vi sinh: 20-30 g;
- NPK: 1 nhúm (khoảng 10g);
- Super Lân: 1 nhúm (khoảng 10g).
- Thời điểm bón: Bón lót hỗn hợp phân trên trước khi trồng 5 – 7 ngày
- Kỹ thuật bón
- Cho phân chuồng hoai mục vào gốc đã được bổ sẵn;
- Cho phân NPK, Super Lân lên trên;
- Đảo đều phân với đất, chú ý cho phần nằm trọn trong hốc.
- Phủ đất lên với độ dày khoảng từ 3-5cm.
BÓN THÚC
- Lượng bón: Bón toàn bộ lượng số phân Đạm Ure, Kali và NPK cho tương đương cho mỗi hốc cây:
- Đạm Ure: 1 nhúm (khoảng 10g)
- NPK:1 nhúm (khoảng 10g);
- Super Lân: 1 nhúm (khoảng 10g).
- Thời điểm bón
- Đối với cây trồng vụ Xuân: Bón thúc vào tháng 8,9 (sau khi trồng 5-6 tháng)
- Đối với cây trồng vụ Thu: Bón thúc vào tháng 10, 11 (sau khi trồng 3–4 tháng)
- Kỹ thuật bón
- Bón cách gốc 5-10cm, tránh tiếp xúc trực tiếp vào lá;
- Sau khi bón vun đất phủ kín phân bón (Kết hợp với làm cỏ, vun xới gốc, phá váng).
Năm tiếp theo
Chuẩn bị phân bón cho 1 ha:
- Phân chuồng: 10 - 15 tấn
- Phân Đạm: 100 kg;
- Phân Vi sinh: 300 kg
- Kali: 150 kg;
- Phân Lân: 300 kg.
- NPK (15-15-15): 200 kg.
Liều lượng và thời điểm bón:
Đinh lăng trồng vụ Xuân hay vụ Thu đều bón thúc 2 lần trong năm vào các thời điểm với liều lượng như sau:
- Lần 1: Bón vào tháng 4. Lượng bón cho 1 ha: 10 – 15 tấn phân chuồng; 300 kg phân Vi sinh; 300 kg phân Lân và 100 kg phân Đạm
(Lượng bón tương đương cho mỗi hốc cây: 0,25-0,5 kg phân chuồng, 1 nhúm khoảng 15g phân Lân; 1 nhúm nhỏ khoảng 5g phân Đạm)
- Lần 2: Bón vào tháng 9. Lượng bón cho 1 ha: 150 kg phân Kali; 200 kg phân NPK
(Lượng bón tương đương cho mỗi hốc cây: 1 nhúm khoảng 8g phân Kali; 1 nhúm khoảng 10g phân NPK)
Kỹ thuật bón:
Bón cách gốc 5 – 10cm, tránh tiếp xúc trực tiếp vào lá, sau khi bón vun đất phủ kín phân bón (Kết hợp với làm cỏ, vun xới gốc, phá váng).
KỸ THUẬT CHĂM SÓC VÀ QUẢN LÝ ĐỒNG RUỘNG
Dặm cây
- Giai đoạn cây mới trồng, trong khoảng 6 tháng sau khi trồng, cần kiểm tra thường xuyên bỏ các cây không đạt yêu cầu (chết, chậm sinh trưởng, phát triển), tiến hành dăm cây để đúng mật độ, khoảng cách.
Xới xáo, vun gốc
- Kết hợp làm cỏ, vun xới gốc, phá váng trong mỗi đợt bón thúc định kỳ (2 lần/năm).
- Phủ rơm rạ xung quanh gốc cây để hạn chế cỏ mọc và tăng độ mùn cho đất.
Chế độ nước
- Trong thời gian đầu khi mới trồng, phải duy trì tưới nước hàng ngày
- Về sau số lần tưới nước tùy thuộc vào tình hình sinh trưởng, cần duy trì độ ẩm thường xuyên cho diện tích đất xung quanh gốc.
- Luôn đảm bảo thoát nước tốt.
Tỉa cành
- Từ năm thứ 2 trở đi, tiến hành tỉa bớt cành và lá, mỗi năm hai đợt vào tháng 4 và tháng 9, mỗi gốc chỉ để 2-3 cành to, tận dụng những cành tỉa để làm hom giâm cho các vụ tiếp theo.
- Kết hợp với việc làm cỏ, bón thúc, vun đất phủ kín phân bón để cây có thể phát triển tốt.
PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH
Đinh lăng là cây ít bị sâu bệnh hại. Nếu có bệnh, đinh lăng thường gặp các loại sâu bệnh hạ sau:
Sâu xám:
- Chú ý phòng trừ sâu xám kịp thời tránh ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây.
- Có thể dùng thuốc hoặc bắt bằng tay vào sáng sớm hoặc chiều muộn
- Sử dụng một số loại thuốc phòng trừ sâu xám như sau:
- Dùng thuốc đơn: TP-Pentin 18EC; Basudin 50EC;...
- Phối hợp hai loại thuốc khác nhau: Diptera 80WP+Karate 2,5EC; Sevin 40% + Sherpa 25EC;...
- Dùng một trong các loại thuốc sâu dạng hạt, bột như: Basudin 10H; Vibasu 10G,...
Tuyến trùng:
- Phòng trừ bằng cách
- Tại vườn ươm sử dụng Oxamyl, Phenemiphos và Aldicarb; Carbofuran, Namacur vừa có hiệu quả phòng trừ tốt vừa làm tăng năng suất.
- Xử lý đất phòng tuyến trùng bằng cách rắc vôi bột vào đất.
Kiến mối:
- Phòng trừ bằng cách rắc Basudin 50EC
Bệnh thối rễ, bệnh nấm mốc, đốm đen lá:
- Phòng trừ bằng sử dụng Daconil 75 WP, Topsin M 70 WP...
Lưu ý:
✔️ Nên dùng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc từ sinh học, nhằm đảm bảo chất lượng dược liệu và sức khỏe của người, gia súc. Sử dụng thuốc BVTV theo hướng dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất và cán bộ bảo vệ thực vật ở địa phương.
✔️ Tuyệt đối không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi chưa được sự đồng ý của cán bộ kỹ thuật
được phân công. Nếu thấy xuất hiện các loài sâu, bệnh mới cần báo cho cán bộ kỹ thuật để nghiên cứu, phòng trừ.
✔️ Trước thời điểm thu hoạch 30 ngày không được phun thuốc bảo vệ thực vật.
✔️ Dùng biện pháp xen canh:
- Trong hai năm đầu tiên, có thể trồng một số loại rau ít bị sâu hại, một số cây họ Đậu nhằm cải tạo đất, đồng thời vừa giảm bớt sâu bệnh hại, vừa tránh được cỏ dại và tăng thu nhập.
- Sau khi thu hoạch nên để đất nghỉ ít nhất 3 tháng, trồng một số cây cải tạo đất (điền thanh, cỏ lá lạc,...), phơi ải, xử lý sâu bệnh trước khi trồng vụ mới
✔️ Quản lý đồng ruộng: Kiểm tra thường xuyên tình trạng đồng ruộng, dụng cụ phun thuốc và các bao
gói, vệ sinh dụng cụ và xử lý nước thải khi vệ sinh dụng cụ phun thuốc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật
KỸ THUẬT THU HÁI, SƠ CHÊ VÀ BẢO QUẢN
THU HOẠCH
Chọn thời điểm thu hoạch
- Sau khi cây đã đủ ít nhất 3 năm tuổi, thu hoạch vào mùa Thu, khoảng từ tháng 8 đến tháng 10, lúc này cây bắt đầu tạm ngừng sinh trưởng và đang tích lũy vật chất nên hoạt chất trong rễ là nhiều nhất
- Thu hoạch vào ngày nắng ráo
Chuẩn bị dụng cụ thu hoạch
- Mai, thuổng hoặc dụng cụ chuyên dụng để đào.
- Đồ đựng (thúng, thùng,...): đảm bảo vệ sinh, tránh ô nhiễm.
- Xe đẩy nhỏ để vận chuyển phần thu hoạch (rễ, lá,...) từ vườn ra xe chuyên chở đến nơi sơ chế.
- Bạt để lót, ngăn cách giữa dược liệu tươi với thùng xe vận chuyển.
Chuẩn bị nhân lực
- Người lao động thực hiện việc thu hoạch phải được đào tạo về kỹ thuật thu hoạch, có sức khỏe tốt.
- Người lao động được trang bị bảo hộ lao động phù hợp
Lên kế hoạch thu hoạch
- Cán bộ quản lý vùng trồng dược liệu lập kế hoạch thu mua, báo cho các cơ sở trồng được biết để phối hợp thực hiện thu hoạch Đinh lăng, thu mua dược liệu vào thời gian và địa điểm thuận lợi nhất.
Thực hiện thu rễ
- Hộ dân có trách nhiệm bố trí nhân sự, công cụ, dụng cụ, phương tiện để đảm bảo đáp ứng kế hoạch thu hoạch.
- Chặt cành cách gốc 20 cm trước khi đào, hoặc để nguyên trước khi đào sau đó chặt bỏ phần trên đất.
- Đào 2 rãnh 2 bên hàng đinh lăng định thu. Rãnh sâu khoảng 30-40cm, rộng 20 cm, sau đó dùng phay, thuổng ...bới nhẹ nhàng tránh làm xây xát, đứt gẫy rễ.
- Rễ của luống nào để lên mặt luống đó, và để cùng chiều để dễ bốc xếp
- Thu rễ rũ bới đất, cho vào trong đồ đựng, vận chuyển bằng xe đẩy hoặc bằng phương tiện thích hợp đến nơi sơ chế.
SƠ CHẾ
- Dùng vòi xịt để xịt nước rửa sạch toàn bộ phần rễ đã được thu hoạch.
- Phân loại rễ to, rễ nhỏ.
- Phần rễ to đem thái miếng dày từ 5-10 mm, rễ nhỏ để nguyên
- Phơi ở chỗ thoáng đến khi dược liệu se lại.
- Sấy dược liệu đến khô bằng thiết bị sấy phù hợp.
- Sấy khô ở nhiệt độ 50-70°C, có đảo liên tục trong quá trình sấy. Sấy đến khi đạt hàm ẩm theo tiêu
chuẩn (khoảng 8 - 12 giờ, hàm ẩm không vượt quá 13%).
ĐÓNG GÓI, GHI NHÃN VÀ BẢO QUẢN
Đóng gói
- Khối lượng đóng gói: 30-35 kg khô/bao.
- Đinh lăng đã sấy khô được đóng gói bằng túi Polyetylen dày khó rách, sau đó buộc chặt đầu hoạt hàn kín để tránh không khí xâm nhập làm ẩm, mất mùi thơm, ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu.
- Đóng ngoài là bao gai bền có ghi nhãn đầy đủ.
Ghi nhãn
+ Sau khi đóng gói, ghi theo mẫu nhãn của cơ sở.
Mẫu phiếu đóng gói Đinh Lăng theo GACP-WHO
Bảo quản
- Các bao dược liệu được xếp trên giá cách mặt đất tối thiểu 30 cm.
- Bảo quản trong kho khô thoáng, tránh ánh sáng trực tiếp.
HƯỚNG DẪN GHI CHÉP SỔ SÁCH
Các hoạt động liên quan đến trồng, chăm sóc và thu hái dược liệu phải được ghi chép cẩn thận vào SỔ GHI CHÉP phục vụ công tác quản lý chất lượng dược liệu theo hướng dẫn GACP-WHO và đảm bảo truy xuất được nguồn gốc dược liệu. Sau đây là các mẫu biểu trong SỔ GHI CHÉP khi áp dụng GACP-WHO
BIỂU 1: KIỂM TRA VIỆC GHI CHÉP (do cán bộ kỹ thuật ghi)
Ngày | Nội dung | Nhận xét, đánh giá | Yêu cầu khắc phục | Tên người kiểm tra |
|
|
| ||
|
|
| ||
|
|
|
BIỂU 2: MUA/ TIẾP NHẬN VẬT TƯ ĐẦU VÀO (giống, phân bón, thuốc BVTV…)
Ngày mua/ tiếp nhận | Tên vật tư (ghi đúng tên trên nhãn) | Số lượng (g,kg, ml, gói) | Hạn dùng | Giá mua | Tên và địa chỉ người bán | Nơi cất trữ | Ngày sử dụng | Số lượng sử dụng |
|
|
|
| |||||
|
|
|
| |||||
|
|
|
|
BIỂU 3: THEO DÕI SỬ DỤNG PHÂN BÓN
STT | Thời gian | Mã số / tên thửa | Tên phân bón (ghi đúng tên trên nhãn) | Nơi sản xuất | Số lượng | Phương pháp | Người thực hiện |
|
|
|
| ||||
|
|
|
| ||||
|
|
|
|
BIỂU 4: THEO DÕI SỬ DỤNG THUỐC BVTV
STT | Thời gian | Mã số/ tên thửa | Loại sâu bệnh | Tên thuốc (ghi đúng tên trên nhãn) | Nơi sản xuất | Số lượng dùng (g,kg,ml, gói) | Phương pháp dùng | Người thực hiện |
|
|
|
| |||||
|
|
|
| |||||
|
|
|
|
BIỂU 5: THEO DÕI SỬ DỤNG GIỐNG
Thời gian | Nguồn gốc giống (nơi cung cấp/số lô nếu có) | Số lượng | Bộ phận dùng làm giống | Phương pháp xử lý giống | Mã số/tên thửa | Người thực hiện | Ghi chú |
|
|
|
| ||||
|
|
|
| ||||
|
|
|
|
BIỂU 6: THEO DÕI TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ THU HOẠCH
Thời gian | Công việc thực hiện | Mã số/tên thửa | Người thực hiện | Ghi chú (các bất thường, cách khắc phục, chi tiết hoạt động nếu có) |
|
|
| ||
|
|
| ||
|
|
|