TIÊU CHUẨN GACP-WHO: KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC, THU HÁI, SƠ CHẾ VÀ BẢO QUẢN CÁT CÁNH
- Người viết: DS. Nguyễn Thị Cẩm Trâm lúc
- Tin chuyên ngành
Cát cánh (Platycodon grandiflorus (Jacq.) A. DC) là dược liệu quý trong y học cổ truyền cũng như trong y học hiện đại ở Việt Nam. Bộ phận sử dụng làm thuốc là rễ củ. Cát cánh được biết đến là một thảo dược quý giúp điều trị các bệnh ho, viêm phế quản, viêm amiđan, viêm họng, trừ đờm và chống cảm lạnh.
Nhằm tự chủ nguồn dược liệu chất lượng tốt và tăng năng suất cây trồng, các đơn vị sản xuất dược liệu đã tiến hành xây dựng vùng trồng Cát cánh đạt Tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức y tế thế giới (gọi tắt là Tiêu chuẩn GACP-WHO) dựa trên những thông tin trong cuốn sổ tay “Cát cánh - Kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế và bảo quản theo tiêu chuẩn GACP-WHO” đã được biên soạn bởi Tổ chức HELVETAS Việt Nam dựa trên các kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất và ý kiến đóng góp của các chuyên gia Viện Dược liệu Trung ương về Cát cánh
NGUYÊN TẮC, TIÊU CHUẨN GACP-WHO
GACP là từ viết tắt của cụm Good Agricultural and Collection Practices – Thực hành tốt Nuôi trồng và Thu hái.
Nếu chưa có khái niệm về GACP, bạn hãy tham khảo qua bài viết này nhé: GACP là gì? Vì sao cần GACP-WHO
Xem thêm về những nguyên tắc chung của GACP-WHO tại đây
THÔNG TIN CHUNG VỀ DƯỢC LIỆU CÁT CÁNH
Tên loài
Tên thường gọi: Cát cánh
Tên địa phương: Cát cánh, Cát Kiến
Tên khoa học: Platycodon grandiflorus (Jacq.) A. DC
Đặc điểm thực vật
• Cây thảo, sống lâu năm, thân mềm, màu lục xám, chứa nhựa mủ, cao 50-80cm;
• Rễ củ đôi khi phân nhánh, vỏ ngoài màu vàng nhạt
• Lá có cuống ngắn hoặc gần như không cuống, hình trứng, dài 3-6cm, rộng 1-2,5cm, gốc tròn, đầu nhọn, cuống hẹp, rìa lá có răng cưa, ở giữa thân cây trở xuống lá mọc đối hoặc có 3-4 vòng lá, lá phía trên nhỏ, có khi mọc so le;
• Hoa hình chuông, cánh hoa màu tím xanh hay màu trắng, mọc riêng lẻ hoặc thành bông thưa ở kẽ lá gần ngọn, đường kính 3-5cm;
• Đài có 5 thùy màu lục, tràng gồm 5 cánh hợp, 5 nhị đực, 1 nhị cái, đầu nhị xẻ 5;
• Quả nang, hình trứng bao bọc bởi đài tồn tại, chứa nhiều hạt nhỏ, hình bầu dục, màu đen nâu;
• Mùa hoa tháng 5-7, mùa quả tháng 8-9.
Đặc điểm phân bố và sinh thái
• Cát cánh là cây ngày dài có nguồn gốc từ Trung Quốc, ưa khí hậu ôn hòa, ẩm ướt, nhiều ánh sáng;
• Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng phát triển từ 25-30oC (cao nhất 35oC, thấp nhất 15oC);
• Khả năng chịu hạn kém, đặc biệt không chịu được ngập úng;
• Ở đồng bằng và trung du, mùa Đông trùng với thời kỳ cây non, cát cánh sinh trưởng phát triển gần như liên tục từ khi trồng tới lúc thu hoạch. Ở miền núi, cây phải trải qua kỳ ngủ Đông, lúc này phần thân lá bị tàn lụi, không nên cắt mà để cây tự lụi.
Việc cắt sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh dễ xâm nhập;
• Phương thức sinh sản bằng hạt (hữu tính).
Giá trị sử dụng
• Bộ phận sử dụng là rễ củ vì chứa nhiều saponin;
• Rễ cát cánh (radix platycodi) được sử dụng trong y học cổ truyền để làm chất kháng viêm để điều trị các chứng ho, viêm phế quản, viêm amiđan, viêm họng, trừ đờm và chống cảm lạnh.
KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC
Lựa chọn vùng trồng theo GACP
Cây cát cánh phù hợp với những nơi có độ cao bình quân từ 900m đến 1800m so với mực nước biển, có nhiệt độ bình quân năm 18,7oC, mang tính ôn đới, mát mẻ về mùa hè, khô lạnh về mùa đông. Đây cũng là khu vực có điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu cát cánh. Một số điều kiện cơ bản cần đáp ứng về vùng trồng gồm:
• Vùng trồng có độ cao so với mặt nước biển từ 1000m trở lên;
• Đất có độ dày canh tác ≥ 50cm;
• Tốt nhất là loại đất thịt nhẹ (hoặc từ cát pha đến thịt trung bình) ít sỏi đá, tỷ lệ sét thấp, thoát nước tốt, có đủ ánh sáng và chủ động nước;
• Khoảng pHKCl tốt nhất: 6,0-7,0. Ngoài ra một số chỉ tiêu khác phải đảm bảo đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn nguyên tắc của GACP-WHO (xem chi tiết mục 3.1. Lựa chọn vùng trồng)
Vùng trồng cát cánh đạt chuẩn GACP-WHO
Thời vụ trồng
Từ trung tuần tháng 9 đến trung tuần tháng 10 hàng năm.
Kỹ thuật sản xuất giống
TIÊU CHUẨN HẠT GIỐNG GACP
Trong sản xuất dược liệu, cát cánh chủ yếu được gieo trồng bằng hạt, thu quả ở những cây năm thứ 2, to, khỏe, không bị sâu bệnh, vỏ quả chuyển sang màu vàng cần thu kịp thời. Quả hái về để trong râm 2-3 ngày cho chín sinh lý, phơi nắng nhẹ cho khô, đập lấy hạt và tiếp tục phơi thêm 2-3 nắng.
Hạt giống cát cánh gieo trồng đúng loài Platycodon grandiflorus (Jacq.) A. DC và đạt các tiêu chuẩn sau:
• Hạt khi khô có màu đen, bóng, không nhăn nheo;
• Khối lượng 1000 hạt từ 0,8-1,5 gam;
• Tỷ lệ hạt chắc trên 80%;
• Tỷ lệ tạp chất nhỏ hơn 1%;
• Tỷ lệ nảy mầm trên 80%;
• Nhiệt độ nảy mầm tối ưu từ 20-25oC;
• Thời gian nảy mầm từ 7 đến 10 ngày;
• Lượng giống cho 1 ha từ 3,0-4,0kg hạt.
LÀM ĐẤT
• Cày, cuốc đất để ải trước 30 ngày, sau đó đập đất nhỏ nhặt sạch cỏ. Lên luống cao 20cm, rộng mặt luống 80cm có hình mu rùa rãnh luống rộng 40cm;
• Lượng phân bón: tính cho 1 sào bắc bộ = 360m2.
- Phân chuồng hoai mục: 120kg
- Phân vi sinh hoặc spe lân: 10kg
- NPK: 1,0kg
- Tro bếp: 30kg
- Vôi bột: 15kg
• Cách bón:
- Trộn đều tất cả lượng phân chuồng, phân vi sinh, tro bếp, vôi bột với đất đã được sàng lọc nhỏ. Sau đó ủ lấy bạt dứa bao kín hố phân sau khoảng 30 ngày lấy ra để bón lót;
- Số phân NPK khi cây mọc được 50 ngày thấy cây thiếu dinh dưỡng thì cần ngâm với nước trước 2-3 ngày và pha 100 lít nước tưới cho cây. Tưới phân xong phải tưới rửa lại bằng nước sạch.
KỸ THUẬT GIEO HẠT GIỐNG
• Cách xử lý hạt giống: Ngâm hạt giống trong nước 2 sôi 3 lạnh trong vòng 4 tiếng, sau đó vớt ra đãi lại 3 nước cho sạch trong rồi tiến hành ủ, sau 4-5 ngày hạt nứt nanh thì đem gieo;
• Cách gieo: Trước khi gieo hạt phải trộn đều hạt giống với cát khô hoặc tro bếp, rắc đều tay trên luống, đối với gieo hạt vào bầu, gieo mỗi bầu 4-5 hạt, gieo vãi trên luống với lượng gieo là 0,3-0,4 (g) hạt/m2;
• Gieo xong phủ một lớp đất mỏng khoảng 1cm lên trên rồi lấy trấu dập nhỏ hoặc rơm, rạ khô, sạch phủ lên trên xong tưới ẩm. Sau khoảng 6- 7 ngày hạt mọc mầm;
• Làm vòm che: Khi gieo hạt vào tháng 9-10 do vậy mưa rất nhiều và thời gian trồng vì vậy cần phải làm mái che bằng nilon màu trắng, để hạn chế nước mưa và bệnh thối nhũn và lở cổ rễ.
CHĂM SÓC VƯỜN ƯƠM:
• Thường xuyên thăm vườn. Nếu phát hiện cây bị bệnh cần phun thuốc kép có gốc đồng hoặc báo cán bộ khuyến nông;
• Trước khi xuất vườn khoảng 30 ngày cần luyện cây hạn chế tưới nước, không che phủ nilon;
• Sau khi hạt/hom mọc mầm dỡ bỏ rơm rạ, thường xuyên thăm vườn, làm cỏ và tỉa bớt cây xấu, nếu phát hiện cây bị bệnh cần phun Daconil 75WP
Khi cây mọc được 30- 40 ngày thấy cây thiếu dinh dưỡng bón bổ sung phân NPK (10kg/360m2) bằng cách ngâm phân NPK với nước trước 2-3 ngày và pha 100 lít nước tưới cho cây, tưới phân xong phải tưới rửa lại bằng nước sạch. Trước khi xuất vườn khoảng 30 ngày cần luyện cây bằng cách hạn chế tưới nước, dỡ bỏ che phủ ni-lon.
Kỹ thuật gieo giống cát cánh theo GACP-WHO
TIÊU CHUẨN CÂY GIỐNG XUẤT VƯỜN:
Tuổi cây giống (từ lúc gieo ươm đến khi xuất vườn) 90 đến 100 ngày, chiều cao cây 10-15cm, số lá thật từ 6-8 lá, cây khỏe, không bị sâu bệnh.
Kỹ thuật làm đất
Làm đất: Đất được cày lật, phơi ải và nhổ hết cỏ dại; sau đó bón vôi và bừa đất cho kỹ sâu 10-20cm, làm đất nhỏ và tơi xốp, thu gom sạch cỏ dại;
• Lên luống: Cao 30-35cm, mặt luống rộng 70-80cm, độ rộng rãnh 30cm. Nếu trồng trên đất dốc phải làm luống theo đường đồng mức để tránh xói mòn;
• Cuốc hố hoặc rạch hàng: Hàng cách hàng 20cm, cây cách cây 10cm.
Kỹ thuật làm đất trồng Cát Cánh theo GACP-WHO
Kỹ thuật trồng
TRỒNG BẰNG CÁCH TRA HẠT
• Tiến hành lấy cuốc bổ hố hàng cách hàng 20cm cây cách cây 10cm, hoặc rạch 3 hàng trên một luống. Tiến hành rải phân xong kéo màng nilon che phủ, tiến hành tra 3-4 hạt/hố tùy mức độ thử tỷ lệ nảy mầm hạt giống, sau đó lấp đất nhỏ 1cm lên trên hạt và có trấu rắc lên trên để giữ ẩm, tưới nước đủ ẩm cho hạt nảy mầm.
TRỒNG CÂY BẦU
Lưu ý: không nên trồng bằng cây con rễ trần vì khi nhổ cây con làm rễ bị tổn thương sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng phát triển rễ củ sau này.
• Chọn cây đủ điều kiện xuất vườn, thời gian từ 90 – 100 ngày, có đủ 3-4 lá, chiều cao từ 10cm trở lên, cây không bị sâu bệnh, bầu đất không bị vỡ;
• Khi trồng đặt bầu cây giống nhẹ nhàng theo mật độ, khoảng cách, lấp đất kín phần gốc rễ, sau đó ấn chặt. Trồng xong phải tưới nước ngay để cố định cây và giữ ẩm cho cây nhanh hồi xanh;
• Mật độ trồng lấy dược liệu 500.000 cây/ha. Mật độ thích hợp khoảng 375.000 cây/ha, tương đương khoảng cách 10x20cm (cây cách cây 10cm, hàng cách hàng 20cm);
• Mật độ trồng lấy hạt 200.000 cây/ha, trồng khoảng cách 20 x 25cm;
• Phủ màng nilon kín mặt luống sau khi bón lót, cố định màng nilon trên mặt luống bằng ghim hoặc dùng đất ấp vào mép của màng nilon. Sử dụng loại nilon đen có kích thước khổ ngang 1,0m, có độ dày tối thiểu 20mic (0,2mm) để phủ luống cát cánh;
• Trộn đều phân với đất dùng tay gạt phân ra 4 xung quanh miệng hố rồi xé túi bầu hoặc cây rễ trần và đạt cây đứng giữa hố dùng tay nhẹ nhàng vun đất xung quanh cây, chỉ lấp kín phần rễ không được lấp kín phần nõn cây.
CHĂM SÓC SAU KHI TRỒNG
• Điều kiện thời tiết mỗi vụ khác nhau nên cần theo dõi sinh trưởng thường xuyên để có những điều chỉnh chế độ chăm sóc phù hợp, đặc biệt không được sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng, cần chú ý không được sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất nông nghiệp trước khi thu hoạch 30 ngày để tránh tồn dư trong dược liệu;
• Khi trồng cây xong phải tưới nước ngay để cố định cây và giữ ẩm cho cây phát triển tốt;
• Sau trồng 20-25 ngày cây bén rễ hồi xanh trở lại ta tiến hành làm cỏ, xới xáo.
TỈA ĐỊNH CÂY VÀ TRỒNG DẶM
• Sau khi gieo trồng từ 1,5-2 tháng là khoảng thời gian thích hợp để tỉa định cây. Ở mỗi hốc chỉ giữ lại 1-2 cây khỏe và sinh trưởng tốt nhất, số cây còn lại nhổ để trồng dặm vào những hốc không có cây mọc hoặc những hốc có cây sinh trưởng kém, còi cọc, bị sâu bệnh;
• Trong tháng đầu sau khi tỉa và trồng dặm cần tưới nước, giữ cho đất đủ ẩm giúp cây sinh trưởng khỏe và tỷ lệ sống cao.
Phân bón và kỹ thuật bón phân
• LƯỢNG PHÂN: Mỗi 01ha cát cánh, sử dụng công thức phân bón
- Phân chuồng hoai mục: 15 tấn/ha;
- NPK: 300kg/ ha => 10,8kg/ sào 360m2;
- Phân Kali: 200kg/ ha => 7,2kg/ sào 360m2;
- Tro bếp: 500kg/ ha => 18kg/ sào 3602;
- Vôi bột: 500kg/ ha => 18kg/ sào 360m2 (tùy theo độ pH của đất).
• CÁCH BÓN: Trộn đều toàn bộ phân chuồng hoai mục, NPK, tro bếp, vôi bột. Đánh thành đống sau đó phủ bạt lên trên sau khoảng 30 ngày đem ra ruộng sản xuất trồng.
• BÓN LÓT: Toàn bộ lượng phân chuồng hoai mục + ½ lượng NPK (tương đương 250kg). Phân chuồng hoai mục và NPK trộn đều với nhau để bón lót. Tạo rạch để bón phân, rạch nọ cách rạch kia 20cm, cho phân vào rạch rồi lấp kín đất, độ dày của lớp đất lấp phân khoảng 5cm.
• BÓN THÚC:
- Đợt 1: sau khi trồng 1-2 tháng: Bón lượng NPK còn lại (tương đương 250kg/ha);
- Đợt 2: sau khi trồng 3-4 tháng: Bón toàn bộ lượng kali clorua (200kg/ha);
- Đợt 3: Sau khi trồng 5-6 tháng bón 1/4 lượng đạm urê và 1/2 lượng kali;
- Đợt 4: Sau khi trồng 7-8 tháng bón 1/4 lượng đạm urê và 1/2 lượng kali còn lại.
Lưu ý: Dùng chép hoặc cọc gỗ vót nhọn một đầu xiên chéo vào hốc cát cánh đã có lỗ thủng trên màng nilon tạo độ chếch so với gốc cây khoảng 5-7cm để thả phân sau đó lấp đất.Tránh để phân tiếp xúc trực tiếp vào lá, sau khi bón tưới nước vừa có tác dụng giữ ẩm cho đất vừa để cây dễ hấp thu phân bón.
Làm cỏ, tưới nước
LÀM CỎ:
• Nên thực hiện thường xuyên để ruộng sạch cỏ và hạn chế được sâu bệnh hại. Cỏ dại được nhổ bằng tay, giẫy bằng cuốc hoặc máy cắt cỏ (cắt ở phần rãnh luống). Không sử dụng thuốc diệt cỏ;
• Giai đoạn cây mới trồng cần kiểm tra, trồng dặm cây đảm bảo mật độ, khoảng cách;
• Thăm đồng thường xuyên, vệ sinh dụng cụ phun thuốc, thu gom bao gói thuốc BVTV đúng nơi quy định, phòng ngừa khả năng gây ô nhiễm đất trồng và môi trường vùng sản xuất.
TƯỚI NƯỚC:
Ở giai đoạn cây còn nhỏ, mới gieo trồng trong 02 tháng đầu tiên cần giữ cho ruộng cát cánh đủ ẩm để tỷ lệ cây mọc cao và sống khỏe. Khi đất thiếu ẩm thực hiện việc tưới trực tiếp vào gốc cây. Do đó, việc tưới nước cần phải duy trì thường xuyên 2-3 ngày/ lần. Càng về sau số lần tưới càng ít đi nhưng phải duy trì được độ ẩm cho cây, đảm bảo thoát nước tốt.
Khi cây đã vượt qua giai đoạn 02 tháng đầu sau khi gieo trồng, bộ rễ đã tương đối khỏe mạnh sẽ không cần tưới nước, từ lúc này chủ yếu thực hiện việc tiêu nước kịp thời khi mưa lớn để tránh làm thối rễ củ.
Không được để đọng nước trên mặt và rãnh luống.
QUẢN LÝ SÂU BỆNH
Bệnh hại
BỆNH THỐI RỄ CỦ DO NẤM
• Đặc điểm gây hại: Bệnh này thường hay xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 8. Những cây bị bệnh phần cổ rễ thường bị teo trước sau đó toàn bộ thân lá bị héo rũ, khô và chết, phần rễ củ bị thối hoàn toàn hoặc thối một phần.
• Biện pháp phòng trừ: Thực hiện theo nguyên tắc quản lý dịch hại tổng hợp IPM và hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV theo tiêu chuẩn GACP-WHO xem chi tiết mục 3.5)
- Vệ sinh đồng ruộng. Thu dọn tàn dư cây trồng sau thu hoạch;
- Khi phát hiện trên luống cát cánh có triệu chứng thối củ thì nên tách củ bị thối loại bỏ để hạn chế lây lan;
- Đầu vụ, bón phân vôi cho đất. Lên luống cao, thoát nước tốt. Không trồng mật độ dày quá, tránh bón nhiều phân đạm. Ngay từ đầu vụ khi làm đất nên sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma trộn với phân hữu cơ hoai mục. Chú ý không để đất bị ngập nước;
- Khi xác định là bệnh thối khô do nấm thì phun thuốc đặc trị nấm như: Anvil 5SC, Vivadamy 3DD, Bonanza 100SL Nếu bệnh thối nhũn do vi khuẩn thì phải sử dụng thuốc đặc trị vi khuẩn bằng các loại thuốc BVTV được phép sử dụng, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì nhãn mác như: New Kasuran 16.6 BTN, Starner 20WP, Xanthomix 20WP. Chú ý bảo đảm thời gian cách ly, tỷ lệ nhiễm bệnh cao cần phải phun kép thời gian cách nhau 3-4 ngày. Ghi chép đầy đủ thông tin vào Biểu 4: theo dõi sử dụng thuốc BVTV của sổ ghi chép thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu..
Sâu hại
SÂU XÁM:
• Đặc điểm gây hại: Sâu này xuất hiện chủ yếu trong giai đoạn cây con, chúng thường ăn lá non và cắn đứt ngang thân cây cát cánh.
• Biện pháp phòng trừ: Thực hiện theo nguyên tắc quản lý dịch hại tổng hợp IPM và hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV theo tiêu chuẩn GACP-WHO xem chi tiết mục 3.5)
- Cày đất phơi ải để tiêu diệt trứng và nhộng;
- Làm đất kỹ, sạch cỏ trước khi trồng, làm sạch cỏ quanh bờ để hạn chế nguồn ký chủ phụ của sâu;
- Bắt sâu bằng tay vào buổi sáng sớm hay chiều tối bằng cách bới đất quanh gốc cây bị sâu cắn để bắt sâu;
- Bẫy bướm trưởng thành bằng bả chua ngọt ở các tỉnh miền Bắc thường từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3 và từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10). Mỗi ha đặt 3 bẫy, mỗi bẫy cách nhau 400- 500m;
- Cách làm bẫy bả chua ngọt: 4 phần đường + 4 phần dấm + 1 phần rượu + 1 phần nước.
Cho vào trong bình đậy kín sau 3-4 ngày khi thấy mùi chua ngọt thì thêm vào 1% thuốc trừ sâu. Quấn giẻ hay bùi nhùi rơm rạ vào đầu gậy nhúng vào bả cắm trên bờ ruộng. Sau 2-3 ngày nhúng lại 1 lần. Bướm trưởng thành sẽ bay vào ăn bả chua ngọt và bị chết;
- Dùng thuốc trừ sâu sinh học E70, Emmaben để phun giai đoạn sâu tuổi non, phun vào buổi chiều tối là hiệu quả nhất.
SÊN NHỚT:
• Đặc điểm gây hại: Loại sâu này xuất hiện vào mùa xuân khi thời tiết ẩm ướt, trùng với thời kỳ cây cát cánh còn non. Sên thường ăn mầm non và gặm nham nhở thân cây làm cho cây sinh trưởng kém hoặc chết.
• Biện pháp phòng trừ:
- Luôn giữ vườn thông thoáng, tránh ẩm độ không khí cao trên ruộng.
- Trong quá trình canh tác tỉa lá, thu trái nếu phát hiện sên, nhớt phải thu bắt;
- Thu gom toàn bộ gạch, đá… trên ruộng để hạn chế nơi cư trú của các loài sên nhớt;
- Sử dụng can nhựa có hòa các chất như bả bia hoặc sữa chua để bẫy sên nhớt trên vườn cát cánh.
• Đặc điểm gây hại: Lúc cây trưởng thành thường thấy bệnh héo thân, héo cành tuy nhiên mức độ không nhiều.
• Biện pháp phòng trừ: Biện pháp chủ yếu là tăng cường chăm sóc, vệ sinh đồng ruộng (làm sạch cỏ, xới xáo)
THU HOẠCH, SƠ CHẾ VÀ BẢO QUẢN
Thời điểm thu hái
• Thời điểm thu hoạch vào cuối năm dương lịch, lúc này cây có biểu hiện hình thái lá úa vàng, có từ 50% số cây tàn lụi trở lên và kết thúc trước khi 100% số cây tàn lụi, thu hoạch lúc này đảm bảo hàm lượng hoạt chất của cây được tích lũy ở mức cao nhất;
• Trong điều kiện thời tiết thông thường, tại Bắc Hà vào cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 là thời điểm thuận lợi cho thu hoạch cát cánh.
Lưu ý: Người trồng cát cánh tại Bắc Hà áp dụng quy trình này năng suất dự kiến có thể đạt trung bình 02 tấn dược liệu khô/ha/năm và đạt tiêu chuẩn dược liệu cát cánh do công ty hay đơn vị sản xuất yêu cầu.
Chuẩn bị dụng cụ, vật tư trước khi thu hái
• Các dụng cụ thu hái: liềm cắt hoặc dao cắt; lưới lót hoặc bạt nhựa; xe chở, có thể bằng xe cải tiến, xe thồ thô sơ hoặc phương tiện khác tùy vào sản lượng thu hoạch; bạt lót nền phơi thảo dược; túi nilon, bao tải dứa, dây buộc; nhãn mác hàng hóa; máy cắt (thái) thuốc chuyên dụng.
• Dọn dẹp nhà kho hoặc khu vực tạm trữ, phòng chống mối mọt, chuột, bọ, côn trùng xâm nhập.
• Tất cả các dụng cụ, vật tư sử dụng cho công tác thu hái và sơ chế Cát cánh cần được làm sạch, không bị gỉ sét, không bị nhiễm bẩn.
Kỹ thuật thu hái
Chọn ngày nắng ráo, cắt bỏ bớt phần thân lá trên mặt đất chỉ để lại khoảng 10cm để tiện thu hoạch;
• Dùng cuốc để cuốc rễ củ cát cánh, nên cuốc một vồng rộng để tránh làm đứt ngang rễ củ;
• Rũ bỏ bớt đất cát và tạp chất khác, cho dược liệu vào bao để vận chuyển về khu sơ chế.
Vận chuyển
• Trong quá trình bốc xếp dược liệu lên xe chú ý không dẫm lên dược liệu để xếp xe, không nén chặt, không kết hợp vận chuyển dược liệu với các sản phẩm khác;
• Theo GACP, vận chuyển về địa điểm chế biến phải tiến hành tháo dỡ ngay dược liệu, không để trên xe lâu dược liệu dễ bị hấp hơi, ngưng tụ nước hoặc nhũn do nóng làm giảm chất lượng;
• Tuân thủ đầy đủ các yêu cầu tiêu chuẩn GACP-WHO về vận chuyển dược liệu, (bạn hãy xem bài viết các nguyên tắc chung GACP-WHO mục 3.8. đóng gói vận chuyển lưu kho)
Kỹ thuật sơ chế và bảo quản dược liệu
Sau khi cát cánh được vận chuyển về khu sơ chế, thực hiện theo các bước sau:
• Loại bỏ thân lá, cắt lấy phần rễ củ, loại tạp lần 1 (đất đá, cây cỏ khác,...);
• Rễ củ có dạng hình trụ thuôn dần về phía dưới hoặc phân thành nhánh, chiều dài từ 7cm trở lên, đường kính đạt 0,7cm trở lên, không bị thối, không bị dập;
• Rửa sạch và chà sát cho bong lớp vỏ lụa;
• Loại tạp chất lần 2: bao gồm thân lá cát cánh, cây và cỏ khác còn lại;
• Hong ráo nước trên giá kệ;
• Sấy khô: sấy ở nhiệt độ 60-70oC trong thời gian khoảng 20 giờ dược liệu cát cánh sẽ có độ ẩm đạt dưới 14%. Cách nhận biết cảm quan dược liệu cát cánh đã khô:
• Cầm củ cát cánh thấy có các rãnh nhăn nheo theo chiều dọc củ và những nếp nhăn ngang, bóp thấy rắn chắc, dùng tay có thể bẻ củ làm đôi mà không bị dai quánh;
• Cát cánh khô cần đạt theo TCCS dược liệu do công ty hay đơn vị thu mua yêu cầu. Củ thường có màu vàng nhạt đến vàng nâu, không bị đen hay màu sắc bất thường;
• Thành phẩm phải đạt theo Tiêu chuẩn cơ sở dược liệu cát có các chỉ tiêu quan trọng cần đạt gồm: Hàm lượng platycodin D ≥ 0,1%, tạp chất lẫn không quá 1%, độ ẩm không quá 14%, nitrat không quá 200ppm..
Đóng gói, ghi nhãn và bảo quản
ĐÓNG GÓI
Dược liệu cát cánh khô được đóng gói vào bao PE, buộc kín. Khối lượng tịnh được đóng gói phù hợp tùy theo theo yêu cầu, mục đích sử dụng;
• Trong quá trình đóng gói, người đóng gói phải sử dụng bảo hộ lao động, bao gồm: mũ vải, găng tay, quần áo bảo hộ, khẩu trang. Khi đóng gói, không được hút thuốc, ăn uống hay thực hiện các hành vi khác có nguy cơ làm ô nhiễm dược liệu.
GHI NHÃN
Thực hiện theo tiêu chuẩn GACP-WHO trong mục 3.10. Ghi chép sổ sách và truy xuất nguồn gốc Mẫu nhãn dược liệu của cơ sở.
Mẫu phiếu đóng gói khi áp dụng GACP-WHO
BẢO QUẢN
Dược liệu cát cánh khô, có độ ẩm dưới 12%-14%, được bảo quản trong bao hai lớp (lớp trong là bao nilon, lớp ngoài là bao tải dứa) buộc chặt miệng bao, xếp trên giá kệ, để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mốc, mọt hoặc tốt nhất trong kho tạm trữ cách mặt đất 20cm;
• Kho phải đảm bảo luôn thoáng, sạch, không ẩm mốc, không bị côn trùng và các loài gặm nhấm phá hoại, nhiệt độ phòng cần giữ không quá cao (không quá 30oC) và ẩm độ không quá 70%;
• Tại nhà máy, dược liệu cát cánh được bảo quản trong kho dược liệu đạt tiêu chuẩn GSP;
• Nơi lưu trữ dược liệu phải tránh xa với những khu vực có chất gây ô nhiễm, xăng dầu, gia súc, gia cầm, côn trùng, loài gặm nhấm và các vật gây hại khác. Tạm trữ ở nơi thông thoáng, không bị ẩm mốc, không bị dột khi trời mưa;
• Thời gian bảo quản trong kho tạm trữ tối đa 03 tháng phải chuyển về nhà máy;
• Không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào để bảo quản dược liệu.
HƯỚNG DẪN GHI CHÉP SỔ SÁCH
Bìa sổ ghi chép dược liệu Cát Cánh theo GACP-WHO
Các hoạt động liên quan đến trồng, chăm sóc và thu hái dược liệu phải được ghi chép cẩn thận vào SỔ GHI CHÉP phục vụ công tác quản lý chất lượng dược liệu theo hướng dẫn GACP-WHO và đảm bảo truy xuất được nguồn gốc dược liệu.
Dưới đây là các mẫu biểu trong SỔ GHI CHÉP.
BIỂU 1: KIỂM TRA VIỆC GHI CHÉP (do cán bộ kỹ thuật ghi)
Ngày | Nội dung | Nhận xét, đánh giá | Yêu cầu khắc phục | Tên người kiểm tra |
|
|
| ||
|
|
| ||
|
|
|
BIỂU 2: MUA/ TIẾP NHẬN VẬT TƯ ĐẦU VÀO (giống, phân bón, thuốc BVTV…)
Ngày mua/ tiếp nhận | Tên vật tư (ghi đúng tên trên nhãn) | Số lượng (g,kg, ml, gói) | Hạn dùng | Giá mua | Tên và địa chỉ người bán | Nơi cất trữ | Ngày sử dụng | Số lượng sử dụng |
|
|
|
| |||||
|
|
|
| |||||
|
|
|
|
BIỂU 3: THEO DÕI SỬ DỤNG PHÂN BÓN
STT | Thời gian | Mã số / tên thửa | Tên phân bón (ghi đúng tên trên nhãn) | Nơi sản xuất | Số lượng | Phương pháp | Người thực hiện |
|
|
|
| ||||
|
|
|
| ||||
|
|
|
|
BIỂU 4: THEO DÕI SỬ DỤNG THUỐC BVTV
STT | Thời gian | Mã số/ tên thửa | Loại sâu bệnh | Tên thuốc (ghi đúng tên trên nhãn) | Nơi sản xuất | Số lượng dùng (g,kg,ml, gói) | Phương pháp dùng | Người thực hiện |
|
|
|
| |||||
|
|
|
| |||||
|
|
|
|
BIỂU 5: THEO DÕI SỬ DỤNG GIỐNG
Thời gian | Nguồn gốc giống (nơi cung cấp/số lô nếu có) | Số lượng | Bộ phận dùng làm giống | Phương pháp xử lý giống | Mã số/tên thửa | Người thực hiện | Ghi chú |
|
|
|
| ||||
|
|
|
| ||||
|
|
|
|
BIỂU 6: THEO DÕI TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ THU HOẠCH
Thời gian | Công việc thực hiện | Mã số/tên thửa | Người thực hiện | Ghi chú (các bất thường, cách khắc phục, chi tiết hoạt động nếu có) |
|
|
| ||
|
|
| ||
|
|
|